Hỏi đáp

Nhập khẩu mặt hàng rong biển phải chịu thuế Nhập khẩu bao nhiêu, và có cần phải kiểm tra gì không?

Chúng tôi là doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng rong biển, thì mặt hàng này phải chịu thuế Nhập khẩu bao nhiêu, và có cần phải kiểm tra gì không?

Xem trả lời »
Mặt hàng rong biển của doanh nghiệp để có thể áp đúng mã HS thì cần phải xác định tính chất của loại rong biển này, ví dụ như công dụng của rong biển là gì: dùng làm thực phẩm, làm dược phẩm,…. Tuy nhiên, tất cả các loại rong biển với các công dụng khác nhau, mỗi công dụng có thể áp một mã HS khác nhau nhưng vẫn chịu thuế chung là 10%.

Để nhập khẩu “Rong  biền” cần tiến hành các thủ tục kiểm tra”

1/ Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm:
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định kiểm tra thực phẩm nhập khẩu:
“Tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định, trừ các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Đề nghị Công ty liên hệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đăng ký kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho lô hàng khi làm thủ tục nhập khẩu.
2/ Kiểm dịch thực vật:
Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/09/2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định:
“Điều 1. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
2. Sản phẩm của cây
a) Các loại củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, gốc, rễ, vỏ cây;”
Căn cứ quy định nêu trên mặt mặt hàng rong biển thuộc diện phải kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu. Do đó, đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tiến hành đăng ký kiểm dịch cho lô hàng.

Hàng hóa không kịp thông quan vào ngày cuối tuần, lễ, Tết, Doanh nghiệp phải làm thế nào?

Trường hợp NK rơi vào các ngày cuối tuần, Lễ, Tết, DN không thể nộp thuế NK do Ngân hàng nghỉ hoạt động. Tờ khai đã truyền nhưng trên hệ thống chưa được thông quan do chưa nộp được thuế và HQ giám sát chưa cho bơm hàng. Trong những trường hợp này thì giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như thế nào để tránh thiệt hại như tàu nước ngoài phải chờ và không có hàng hóa kịp thời phục vụ sản xuất kinh doanh. Có thể xin nợ thuế, Hải quan niêm phong kho hàng và sẽ mở niêm phong khi nộp thuế đầy đủ được không?

Xem trả lời »
Theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính: Doanh nghiệp thực hiện thông quan/giải phóng hàng hóa sau khi hoàn thành thủ tục Hải quan.
Do vậy, DN không thể xin nợ thuế và thông quan hàng. Để giải quyết vướng mắc nêu trên, DN có thể :
+ Thực hiện khai trước tờ khai hải quan, nộp tiền thuế cho lô hàng trước thời điểm nghỉ lễ tết trong vòng 15 ngày; hoặc,
+ Thực hiện nộp thuế bằng hình thức bảo lãnh theo vận đơn hoặc hóa đơn; hoặc,
+ Nộp thuế theo hình thức internet banking qua các ngân hàng thương mại phối hợp thu (hiện Tổng cục Hải quan đã ký kết phối hợp thu với 27 ngân hàng thương mại). NHTM tự động gửi thông tin nộp thuế của doanh nghiệp tới cơ quan Hải quan để cơ quan Hải quan có cơ sở thông quan và giải phóng hàng hóa cho doanh nghiệp.

Thời gian quy định đối với hàng hóa tạm nhập – tái xuất là bao nhiêu ngày? Thời gian tái xuất vượt quá khoảng thời gian quy định của pháp luật thì như thế nào?

Doanh nghiệp tôi tạm nhập thành phẩm bị hư về sửa lại thì thời gian quy định đối với hàng hóa tạm nhập – tái xuất là bao nhiêu ngày? Trong trường hợp thời gian tái xuất của chúng tôi vượt quá khoảng thời gian quy định của pháp luật thì như thế nào?

Xem trả lời »
Căn cứ khoản 5 Điều 47 Nghi định 08/2015/NĐ-CP quy định “Đối với hàng hóa tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập; Người khai hải quan chưa phải nộp thuế trong thời hạn tái chế, nếu quá thời hạn tái chế đã đăng ký mà chưa tái xuất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.”
Căn cứ điểm a, b khoản 2 Điều 84 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định “Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất theo dõi, quản lý lượng hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập trên Hệ thống. Quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất đã đăng ký với cơ quan Hải quan nhưng chưa làm thủ tục tái xuất, tái nhập hoặc chưa thực hiện việc gia hạn thời gian tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thì cơ quan Hải quan xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện ấn định thuế (nếu có)” và“Đối với hàng hóa tạm nhập, tạm xuất thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, sau khi tái xuất, tái nhập, người khai hải quan thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu cho tờ khai tạm nhập, tạm xuất theo quy định tại mục 4 Chương VII Thông tư này”
Như vậy trường hợp quá 275 ngày Công ty không thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa đã tạm nhập để tái chế thì thực hiện thủ tục gia hạn thời gian tạm nhập, nộp thuế nhập khẩu/ các loại thuế khác (nếu có) và được hoàn thuế tương ứng với số lượng hàng tạm nhập đã tái xuất.

Làm sao khi quên khai báo C/O vào và sau khi đóng tiền thuế mới phát hiện ra?

Công ty nhập về một lô hàng từ Malaysia có C/O form D gửi kèm theo thùng hàng. Nhưng khi lên tờ khai Hải quan điện tử VNASS5, chúng tôi quên khai báo C/O vào và sau khi đóng tiền thuế chúng tôi mới phát hiện ra. Nếu chúng tôi làm thủ tục bổ sung C/O thì có được không và cần những thủ tục gì để bổ sung và hoàn thuế.

Xem trả lời »
Trường hợp Công ty nhập khẩu hàng hoá từ Malaysia, nhưng tại thời điểm nhập khẩu Công ty không khai báo và không có công văn xin nợ C/O bản chính khi làm thủ tục Hải quan
Tại thời điểm khai báo làm thủ tục Hải quan Công ty khai báo theo thuế suất thuế NK ưu đãi thông thường và không có công văn đề nghị chậm nộp C/O, cơ quan Hải quan không xem xét chấp nhận đề nghị nộp bổ sung C/O của doanh nghiệp vì không có căn cứ pháp lý để giải quyết.
Để tham khảo thêm Công ty có thể truy cập vào website của Tổng Cục Hải quan.

Các thủ tục và giấy tờ cần thiết phải chuẩn bị để có thể xuất hàng tại Hải quan ?

Công ty chúng tôi là doanh nghiệp mới được thành lập năm 2001, Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực nhận gia công sản phẩm phụ kiện ghế văn phòng cho một doanh nghiệp nước ngoài. Sản phẩm được làm từ nguyên liệu là GỖ BẠCH ĐÀN, thu mua của người dân trồng quanh vùng (không có hóa đơn VAT) và một phần mua của Lâm Trường (có hóa đơn VAT). Hiện nay, công ty chúng tôi đang muốn làm thủ tục xuất khẩu 01 container hàng đi sang thị trường Ấn độ. Xin được hỏi các thủ tục và giấy tờ cần thiết phải chuẩn bị để có thể xuất hàng tại Hải quan Hải Phòng?

Xem trả lời »
Căn cứ quy định tại Điểm 1 Thông tư số 60/2009/TT-BNN ngày 16/09/2009 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn v/v hướng dẫn thực hiện Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày của Chính phủ hướng dẫn thủ tục hải quan có quy định: “1. Cấm xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ rừng tự nhiên trong nước (trừ những trường hợp quy định tại các khoản 2,3 điều này) gồm: …b. gỗ xẻ các loại.”
Do đó, đối với các loại gỗ rừng trồng, vườn trồng trong nước được phép xuất khẩu như các hàng hóa thông thường khác.
Khi xuất khẩu, công ty chỉ cần chuẩn bị các hồ sơ như quy định tại Khoản 2, Điều 11 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
Để tham khảo thêm Công ty có thể truy cập vào website của Tổng Cục Hải quan.

Tờ khai XK mở theo loại hình gì?

Công ty chúng tôi là công ty có vốn 100% nước ngoài, chúng tôi muốn bán một máy cán tôn (mua nội địa) đã qua sử dụng cho một Cty tại Trung Quốc. Xin cho hỏi trong trường hợp này chúng tôi có được phép làm thủ xuất khẩu không? Tờ khai XK mở theo loại hình gì?

Xem trả lời »
Do Công ty là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nên để thực hiện được việc bán máy cán tôn (mua nội địa) đã qua sử dụng cho một Cty tại Trung Quốc thì trong giấy chứng nhận đầu tư phải có “Quyền xuất khẩu” (căn cứ Điều 3 Thông tư 08/2013/TT-BCT ngày 22/04/2013 của Bộ Công Thương quy định: “Thực hiện quyền xuất khẩu”).

Trường hợp Công ty chưa có Quyền xuất khẩu thì Công ty làm thủ tục bổ sung Quyền xuất khẩu tại cơ quan cấp phép đầu tư trước khi làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng trên tại cơ quan Hải quan. Hồ sơ, thủ tục đề nghị Công ty tham khảo Điều 10 Thông tư 08/2013/TT- BCT ngày 22/04/2013 của Bộ Công Thương để biết thêm thông tin chi tiết.

Khi mở tờ khai xuất khẩu Công ty mở theo loại hình xuất kinh doanh.

Để tham khảo thêm Công ty có thể truy cập vào website của Tổng Cục Hải quan.

Nhập khẩu mặt hàng mỹ phẩm chăm sóc da

Công ty chuẩn bị nhập khẩu mặt hàng mỹ phẩm chăm sóc da, dạng kem từ Đài Loan. Công ty hỏi như sau: 1. Thủ tục nhập khẩu mặt hàng này như thế nào? 2. Cần đăng ký giấy phép gì? Ngoài ra có cần đăng ký kiểm nghiệm hay hồ sơ, giấy tờ gì khác không? Thời gian có giấy kết quả? Trong thời gian đợi giấy phép, công ty có được đem hàng về kho bảo quản? 3. Mặt hàng này sẽ được áp mã HS code nào? Thuế suất NK bao nhiêu?

Xem trả lời »
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về việc nhập khẩu mỹ phẩm như sau:
“Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.”

Điều 3. Quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm
1. Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
2. Lệ phí công bố sản phẩm mỹ phẩm được thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
4. Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (mục đích sử dụng của sản phẩm) phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP).

Điều 4. Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm
Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm bao gồm các tài liệu sau:
1. Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp). Trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất (có chứng thực hợp lệ);
3. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất). Đối với sản phẩm nhập khẩu thì Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giấy uỷ quyền phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư này.
4. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Chỉ áp dụng đối với trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu sau:
a) CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.
b) CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư trên quy định: “Giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm”:
a) Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
b) Trường hợp hồ sơ công bố chưa đáp ứng theo quy định của Thông tư này thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố biết các nội dung chưa đáp ứng để sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nêu cụ thể các nội dung chưa đáp ứng).
Hồ sơ bổ sung của đơn vị gồm:
– Văn bản giải trình về việc sửa đổi, bổ sung của tổ chức, cá nhân đứng tên công bố;
– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố) hoặc tài liệu khác được sửa đổi, bổ sung;
Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung đáp ứng theo quy định của Thông tư này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Trường hợp hồ sơ sửa đổi, bổ sung không đáp ứng theo quy định của Thông tư này thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho sản phẩm này.
c) Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày ban hành văn bản thông báo theo quy định tại điểm b khoản này, nếu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không nhận được hồ sơ bổ sung của tổ chức, cá nhân đứng tên công bố thì hồ sơ công bố không còn giá trị. Trong trường hợp này, nếu tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục công bố thì phải nộp hồ sơ mới và nộp lệ phí mới theo quy định.”

*** Mã HS:
– Căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016, thì mặt hàng:
+ Mỹ phẩm như công ty mô tả có thể tham khảo phân loại mã HS nhóm 3304 tùy theo loại mỹ phẩm, công dụng, cấu tạo mà có mã số HS và thuế suất chi tiết phù hợp.
Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của Công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/ và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của Hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Trung tâm phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.

Để tham khảo thêm Công ty có thể truy cập vào website của Tổng Cục Hải quan.


Bạn chưa giải đáp được thắc mắc? Bạn cần thêm thông tin?

Đừng ngần ngại. Bạn hỏi - Chúng tôi trả lời.