Thủ tục hải quan (Phần 1)

        Khi làm thủ tục Hải quan, mỗi người có thể sẽ có một cảm nhận khác nhau. Những người quen với việc thông quan hàng hóa, một ngày có thể làm tới gần chục bộ tờ khai, thì công việc này có lẽ cũng bình thường. Nhưng với những người chưa bao giờ hoặc mới làm lần đầu tiên, cảm giác lo lắng là không thể tránh khỏi, nào là: hồ sơ đúng không, lên tờ khai thế nào, làm việc với cán bộ Hải quan ra sao… Quả thực, khi làm lô hàng đầu tiên cách đây nhiều năm, tôi cũng đã nếm phải mùi lo âu khi lô hàng bị vướng mắc, hồi hộp khi bị các bác Hải quan chất vấn hồ sơ, rồi là kiểm tra hàng hóa, và sung sướng khi giải quyết xong trục trặc, giải phóng lô hàng.

       Vì thế, tôi viết bài này để chia sẻ thông tin, chứ chưa đến mức độ hướng dẫn, hay chỉ dạy gì cả. Chỉ hy vọng rằng những gì tôi đã trải qua và viết ra đây ít nhiều sẽ có thể hữu ích cho bạn đọc.

1. Thủ tục Hải quan là gì?
       Đó là những thủ tục cần thiết để hàng hóa, phương tiện vận tải được nhập khẩu/ nhập cảnh vào một quốc gia hoặc xuất khẩu/ xuất cảnh ra khỏi biên giới một quốc gia.

       Ví dụ 1: Khi tôi muốn đưa 50 tấn thịt bò nhập khẩu từ Úc về Việt Nam tiêu thụ, tôi phải làm thủ tục thông quan cho số thịt bò này. Trường hợp này gọi là nhập khẩu hàng hóa.

       Ví dụ 2: Công ty tôi khai thác tàu biển, khi tàu từ nước ngoài về tới cảng Cát Lái dỡ hàng, người bên tôi phải làm thủ tục với cơ quan Hải quan để con tàu được nhập cảnh. Trường hợp này gọi là nhập cảnh với phương tiện vận tải.

       Ví dụ 3: Khi gia đình tôi có một cơ sở nhỏ kinh doanh về trái cây tươi, gia đình tôi muốn bán 10 tấn trái vải sang Đức, gia đình tôi phải làm thủ tục thông quan cho số lượng trái vải này. Trường hợp này gọi là xuất khẩu hàng hóa.

        Lưu ý: Thủ tục Hải quan chỉ áp dụng cho hàng hóa & phương tiện vận tải, không áp dụng cho người. Ở Việt Nam, việc làm thủ tục cho người xuất nhập cảnh là Cơ quan An Ninh hoặc Bộ đội biên phòng ở cửa khẩu.

2. Mục đích là gì?
       Nhiều lúc trong công việc hàng ngày, những lúc thủ tục có vướng mắc hay trục trặc, tôi lại nghĩ “giá mà không cần làm thủ tục Hải quan” hay “sao phải tốn bao nhiêu con người để làm thứ thủ tục rắc rối này nhỉ?”.

       Công ty Golden Wave chúng tôi có cả dịch vụ vận chuyển hàng nội địa, từ cảng Tp. Hồ Chí Minh ra cảng Đà Nẵng, hoặc ngược lại. Cũng những bước nghiệp vụ như: bán hàng, book tàu, làm chứng từ … nhưng loại hình vận tải nội địa thì chẳng có gì liên quan gì đến Hải quan. Và tôi cảm thấy khá thoải mái với những lô hàng nội địa này.

       Với hàng xuất nhập khẩu thì lại khác, thông quan hàng hóa là yêu cầu bắt buộc. Thực tế, thủ tục này nhằm giải quyết 02 mục đích cơ bản sau:

       - Để Nhà nước tính và thu thuế. Đây là mục đích quá quan trọng trả lời tại sao chúng ta lại phải tốn quá nhiều thời gian, công sức của bao nhiêu người để giải quyết công việc này.

     - Như số liệu tôi xem trên website Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn), “Năm 2015,     ngành Hải quan đạt số thu 261.772 tỷ đồng (số tạm thời chưa đối chiếu kho bạc), bằng 100,68% so với dự toán được giao (trong đó riêng số thu thuế GTGT đạt 152.272 tỷ đồng)”. Một con số cực lớn phải không? Và phải thông qua ngành Hải quan mới thu được khoản ngân sách đó.

       - Để Nhà nước quản lý hàng hóa, đảm bảo hàng hóa ra/ vào lãnh thổ Việt Nam không thuộc danh mục cấm. Bạn không thể nhập ngà voi, thuốc nổ, ma túy vào Việt Nam, và cũng không thể xuất đồ cổ, động vật hoang dã ra khỏi Việt Nam theo con đường chính ngạch.

3. Văn bản pháp luật liên quan
       Khi làm những thủ tục phức tạp, quan trọng nhất là cần biết căn cứ vào đâu để định hướng. Nếu bạn thuê đơn vị làm dịch vụ Hải quan, họ sẽ tư vấn cho bạn. Còn nếu không, bạn cũng nên tìm hiểu những văn bản luật cơ bản liên quan đến lĩnh vực Hải quan:

      - Luật Hải quan năm 2005; năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015).

      - Nghị định 08/2015/NĐ-CP chi tiết hóa Luật Hải quan.

      - Thông tư 38/2015/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục Hải quan (thay thế thông tư 128/2013      /TT-BTC và 194/2010/TT-BTC)

      - Thông tư 22/2014/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục Hải quan điện tử (thay thế thông tư  196/2012/TT-BTC)

      Trường hợp bạn muốn tìm những thông tin văn bản chính thống, thì những website dưới đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn:

        - Thư viện pháp luật

        - Tổng cục Hải quan

        - Hải quan Đồng Nai

        - Báo Hải quan


     Hy vọng rằng, với những kiến thức được chắt lọc kỹ càng sẽ giúp đọc giả và đối tác có cái nhìn thực tế hơn về Thủ tục hải quan.

     Tiếp tục đón nhận những số tiếp theo của Thủ tục hải quan nhé!